then kissing each other, then sad
Đây, không phải đây
Author: Claire Barnard
Published on: 5/30/2015 7:20:37 PM

Ý tưởng của dự án này đến với tôi vào ngày đầu Năm Mới, trong những giờ khắc ban mai xám chuyển sang một cơn chuếnh choáng rã rời. Đôi khi tôi thấy mình được ban phước bởi sự nhẹ nhõm và sáng sủa đầy cảm xúc bí ẩn trong những giờ khắc này trước khi cơn đau đầu đến. Hay có thể đó là phía khác của sự sáng rõ. Ta thức giấc dưới nước và thấy chẳng có đường nào trở lại bề mặt, bởi vậy, ta dành cả buổi sáng viết về những sinh vật biển. Dù với bất cứ lí do gì, thời- kì-ân sủng-chuếnh choáng này đã giăng buồm và tôi cố không chất vấn nó. (Điều này không phải để nói rằng những ý tưởng đến luôn luôn tốt lành: một lần, trong cái chết của một mùa đông Spokane, anh trai tôi và tôi thức giấc sau một đêm say sưa và quyết định gọi điện tới chỗ làm cáo ốm  rồi lái xe ba trăm dặm tới Seattle, để tới Chợ Pike Place. Ở quanh núi Snoqualmie Pass, chứng đau Alka-Seltzer tiêu tan, và chúng tôi đã bỏ lại cuộc vật lộn với những cơn chuếnh choáng mênh mông của mình trong mây mù bão tuyết, ngàn dặm từ nơi nào đó.)

Nhưng đây Hà Nội và chẳng có bão tuyết mùa đông, chỉ những ngày những ngày bầu trời xám trắng, không lắng nghe cũng chẳng nói năng. Tôi đứng trong căn bếp, ngập trong cảm giác trống trải ngày đầu Năm Mới, và đã nhận ra bốn điều: 1) Lẽ ra phải uống nhiều nước hơn trước khi đi gủ. 2) Tôi cần một dự án để qua được mùa đông này. 3) Tôi không bao giờ thực sự cố gắng viết về Hà Nội. 4)  Tôi có thể viết về những cái hồ nơi đây.

Trong ba năm qua, sao tôi chẳng viết gì về Hà Nội? Tôi lướt nhìn tập hợp những bài thơ của mình, cả những bài mới viết, và có thể tìm thấy duy nhất khung cảnh của bang Washington – những khu rừng thường xanh, những dãy núi hiểm trở, những thị trấn trên vùng mỏ, những xa lộ dài trống trải, những chuyến tàu hàng. Vùng Tây Bắc ấy, nàng thơ trung thành của tôi, không cam chịu bị bỏ hoang quá chừng lạnh lẽo, đã theo tôi ngàn dặm và cắm lều nơi phòng khách của tôi. Cuộc sống ngày thường Hà Nội tiếp tục phô bày vẻ thơ ca đôi khi-duyên dáng đôi khi-nhớp nhúa, nhưng mỗi lần tôi ngồi viết, một dãy núi sẽ mọc lên giữa thành phố này và tôi, xoá đi tất cả những chợ búa, những đường dây điện, những ngôi đền, sương mù, xe máy, các khuôn dạng.

Có thể đưa ra vài ba giải thích cho sự lưỡng lự của cái tôi sáng tạo này khi không nỡ rời khỏi một vùng địa hình quen thuộc. Đây là những giải thích đầu tiên đến trong óc:

1) Nhớ nhà

2) Nỗi Sợ Viết Về Những Điều Không Quen Thuộc

3) Lòng Trung Thành Với Những Không Gian Thơ Ca Nào Đó

Nhớ nhà là lí do hiển nhiên, và có thể hơi quá đơn giản. Nhưng khi ta rời chốn quê nhà, ta sẽ nhớ nó thật sâu. Cả khi ta đã ghét nó lúc rời xa. Cả khi ta vẫn không muốn quay trở lại. Cả khi ta không còn khẳng quyết đó là quê hương mình. Khi ta sống nhiều năm ở một nơi nào đó, nơi đó sẽ trở thành một phần của cơ thể, khó lòng rũ bỏ. Và ta nhớ thương tự cơ thể mình, cách ta nhớ một người tình bền lâu đột nhiên vắng mặt. Chân ta vẫn giữ lòng trung thành bám chặt vào những viên đá lạnh cứng bên sông. Hoặc tai ta, âm thanh của nước chảy qua cùng lúc. Tôi biết tôi đang nói về chính tôi ở đây – có thể ta đã lớn lên trong một căn nhà ở xã hội ở Manchester. Nhưng vật đổi sao dời, mắt ta tai ta tay ta nhớ nhung cái gì đó, và viết lách của ta hồi vọng cơn đau.

Một khả năng khác là viết về nơi ta đã tận tường thì hẳn dễ dàng hơn (đọc: bớt hoảng hốt hơn). Cũng như với gia đình mình, chiều sâu của sự thân thuộc mà ta cảm thấy với một thành phố – hay một đất nước – cho phép ta thành thực phê bình. Cho phép ta thành thực với phản ứng cảm xúc của mình. Ta có thể viết một câu chuyện vui hay một bài thơ buồn bã về quán rượu tồi tàn đó ở quê nhà bởi vì cả quán rượu và thị trấn đó, theo nghĩa nào đó, là thuộc về ta. Nhưng khi ta là một cây bứng trồng xa xứ, sự mênh mông của những gì ta chưa biết (và, hẳn là có thể, sẽ không bao giờ biết) về ngôi nhà mới của mình đôi khi đủ làm ta khựng lại giữa đường. Đúng hơn, trừ khi là một người viết du kí.

Tôi đang giả định ta có một nơi chốn gọi là ‘quê nhà’, một chốn thân thuộc sâu nặng đã có – hay vẫn có – ảnh hưởng sâu sắc lên thế giới tưởng tượng của ta. Nhưng nếu ta sống nơi đó suốt cả đời mình và chẳng từng thấy nó một tí tí cảm hứng? Nếu nơi chốn với khoang chứa rộng lớn nhất trong tim ta là một thành phố mà ta chỉ dừng chân chừng ba tháng? Ý niệm về một quê nhà có thể không thích đáng với mọi người viết, nhưng sẽ an toàn khi nói rằng có một không gian thơ ca mà mỗi chúng ta thường trở lại: một khung cảnh nào đó, khoảnh khắc của một ngày, một kiểu thời tiết (hay thời tiết bên trong) có một sự khẩn nài đặc biệt với trí tưởng tươngj. Nhà thơ Richard Hugo viết về không gian này trong cuốn sách The Triggering Town, cuốn sách viết-thơ-thế-nào duy nhất mà tôi từng thấy nó hữu ích một cách tài tình. Cái “thị trấn kích hoạt” này không cứ phải là một thị trấn, Hugo giải thích; đúng hơn, nó mang chức năng như một ẩn dụ cho bất cứ chủ đề nào “làm bùng cháy nhu cầu ngôn từ của bạn”. Một dãy dài các thị trấn của tôi (không theo trật tự cụ thể nào) sẽ trông như thế này:

1. những nơi trống trải, lộng gió

2. các xa lộ

3. rừng đêm

4. người già

5. bụi

6. những toà nhà xây dở

7. những nhân vật cô quạnh, ghen tuông, bị bỏ rơi

8. những cơn say và những ban mai tỉnh rượu

9. những dạng thức nước

10. những cây cối bất thường

Trong khi dễ dàng tìm gặp những nơi chốn lộng gió, những xa lộ và những khu rừng ở vùng Tây Bắc hơn là Hà Nội, những nơi chốn còn lại trong bảng liệt kê của tôi (với sự ngoại biệt của số sáu – Hà Nội, bạn là người thắng cuộc rõ ràng đây) có thể thấy khá dồi dào ở cả hai nơi. Bởi thế, một cách lý thuyết, vài bài thơ của tôi trong ba năm gần đây có thể được khơi cảm bởi Hà Nội. Nhưng nếu bạn ngẫu nhiên chọn một bài thơ và hỏi tôi, “Đây nơi chốn nào?” và nếu tôi trả lời thành thực, chín phần mười tôi sẽ nói Tây Bắc. Mục đích của dự án này, không có gì khác, là để trả lời câu hỏi đó với “Hà Nội”.

Vấn đề là chủ đề kích hoạt, dẫu vậy, không phải là điều cuối cùng một bài thơ nói về. Hugo giải thích sự khác biệt này:

“Có thể nói một bài thơ thường có hai chủ đề, chủ đề khởi sự hay kích hoạt, thường khởi sự bài thơ hoặc ‘gây ra’ sự viết bài thơ đó, và chủ đề đích thực, được tạo ra, cái mà bài thơ nói hoặc muốn nói, và là cái được tạo hay được khám phá trong bài thơ trong quá trình viết.”

Nói cách khác, khi ta nói với chính mình, “tôi sẽ ngồi xuống và viết một bài thơ về một cái hồ ở Hà Nội”, có thể thực tế ta kết thúc với một bài thơ về nỗi ân hận. Hay ham muốn. Hay một thứ cảm xúc không thể gọi tên. Cái hồ (hay xa lộ, hay khu rừng) còn lại, ngắm nhìn, thậm chí bài thơ vượt ra khỏi chủ đề khởi sự và rẽ ngoặt sang hướng khác. Vì thế, khởi đầu dự án này, là cần thiết chấp thuận rằng, trong khi mỗi một bài thơ sẽ được khơi cảm bởi một nơi chốn cụ thể ở Hà Nội, có thể chúng không phải là về Hà Nội, ít nhất không phải theo cái cách tôi đã muốn nó là.

Trong lúc làm thơ, có những điều nên kiểm soát (ngôn ngữ) và những điều khác không nên (ý nghĩa). Theo Hugo,

“Những từ của bạn sử dụng con đường của bạn sẽ tạo ra những ý nghĩa của bạn…. Cách viết của bạn định vị, thậm chí sáng tạo, cuộc đời bên trong của bạn. Mối quan hệ của bạn với ngôn ngữ đạt được quyền lực. Mối quan hệ của bạn với chủ đề khởi hoạt yếu đi.”

Bởi vậy nếu ai đó từng tự hỏi mình làm thế nào viết về một nơi chốn mà ta chưa hiểu, đây là câu trả lời: ta không phải hiểu nó. Ít nhất ở chỗ thơ ca được quan hoài, ta có thể tin cậy ngôn ngữ mình sẽ mang lại nghĩa. Ta chỉ lắng nghe âm thanh sẽ đến tiếp theo, đặt xuống một hình ảnh rồi một hình ảnh khác, và rồi sớm thôi, một thế giới với nhịp điệu, quy tắc và những phiền phức của nó bắt đầu nổi lên.

Tôi ghi khắc lời khuyên của Hugo trong óc, quyết định đặt niềm tin nhiều hơn vào từ ngữ của mình, đặt sang bên nỗi chống chếnh tôi cảm thấy về việc dùng thành phố này như là khung cảnh cho tác phẩm của tôi. Núi đã khuất xa khỏi tầm mắt và tôi có thể bắt đầu nghĩ về Hà Nội và những cái hồ của nó.

Có thể một nhà thơ đâu đó không bao giờ cảm thấy thôi thúc muốn viết về nước. Hay cũng vậy, về trăng. Tuy nhiên, trong sự viết lách của tôi,  thế giới tự nhiên có xu hướng giữ một vai trò quan trọng. Thật khó để tôi viết một bài thơ mà không có gió nổi lên đâu đó. Hay mưa. Và nếu tôi chủ ý loạt trừ cả gió và mưa, một cây cành sẽ bắt đầu đập vào cửa sổ tôi. Tôi có thể viết một đôi bài thơ thành công mà không có những yếu tố này, nhưng sự thực thì chúng đã làm no đủ tác phẩm của tôi. Không thoát được nó. Bởi vậy, ở một thành phố với kiến trúc lạ lùng và những khu chợ đêm và mọi người lái xe lòng vòng với cái đầu trâu nước nhồi trên xe máy, tôi chọn viết về những cái hồ.

Và như hầu hết mọi người ở đây, tôi quý trọng những cái hồ. Những hồ nghiêng bóng cây, không bơi được. Những hồ xanh xám hay xanh thẫm. Những hồ mịn đen khuya khoắt. Những hồ ban mai mù sương, nối liền làm một với vòm trời. Những hồ quá chừng ảm đạm đến nỗi hầu như ma thuật. Đó có thể là việc sống trong một nơi mà những mùa hè kéo dài năm tháng dằng dặc nóng nung người, có điều gì đó làm bạn cảm kích nước (và cây, và bóng) theo cách mà bạn không bao giờ nghĩ là có thể. Hay một sự thực, những ngày thường trong một thành phố nén-chặt làm những đôi mắt khao khát một không gian rộng rãi, trống trải. Ngoài những lí do này, thật khó để tôi xác định chính xác tại sao tôi trở nên quá gắn bó với một trong bốn cái hồ này (ừ, ba cái hồ và một cái ao), những cái hồ mà tôi đã từng sống kề cạnh. Tôi có thể chỉ nói rằng nếu không có chúng, Hà Nội có thể, với tôi, khó mà sống được.

Nhưng dẫu tôi yêu những cái hồ này đến độ nào, đây không phải là những bài thơ tình. Đi thăm lại những hàng xóm cũ của tôi, sổ và bút trong tay, tiết lộ gì đó mà tiềm thức tôi có thể đã biết: mỗi hồ, với quang cảnh quanh nó, kéo trí tưởng tượng về một hướng khác biệt thực sự. Mỗi hồ là một thế giới tự nó. Những kí ức cũng góp phần tạo dựng những thế giới này; trí tưởng tượng không hoạt động lẻ loi. Đây là những ghi chú tôi đã làm cho hai cái hồ (nói chính xác thì là một cái hồ và một cái ao), bước đầu tiên của tiến trình viết:

Trúc Bạch                                                                Ngọc Hà

2:00 PM (Giờ Chết) / U ám                                       5:00 pm                                       /  Nửa đêm

những cành liễu buông mành mặt nước                  nước xanh rực sáng                      ánh trăng đền

lũ chó nhác lười, vẻ đẹp dịu dàng                            tuyệt đối mịt mờ                             (chốn tốt lành để giấu)

giặt là ướt trên một đường (bị bỏ hoang?)             tiếng ồn, hỗn động, hơi nóng    những ô cửa sổ sáng, đống đổ nát

quên lãng                                                                cảm thấy trong cách                      nước hầu như bình thường

những ván cờ, những thân cây đầm đìa                   cảm thấy được ngắm nhìn           (nhưng bất an)

người già, phố già                                                     huỷ hoại, những điều đã mất

Cùng với kí ức và tưởng tượng, thời điểm trong ngày mà ta chọn để thăm lại nơi chốn đó gây ảnh hưởng, hết sức đáng kể, tới ấn tượng của ta về nó. Tôi biết rằng, dành thời gian quanh hồ Ngọc Hà lúc 5 giờ chiều sẽ thật thách thức (đi bộ bất cứ nơi nào ở Hà Nội lúc 5 giờ chiều đều là một thách thức) và rằng, vào lúc nửa đêm, một mình, tôi sẽ cảm thấy hơi bất an. Tôi biết hồ Trúc Bạch lúc hai giờ một ngày mưa sẽ hoàn toàn im vắng, trống trải, hầu như tĩnh tại. Tôi khá chủ tâm chọn những khoảng thời gian trong ngày có thể sẽ mang lại những cảm giác này (chẳng phải người ta cho rằng các nhà văn thừa nhận điều này?) bởi vì tôi muốn những cảm giác này tương ứng với những gì tôi nhìn như thể mỗi hồ là một “tính cách”.

Những tính cách khác biệt này (tôi không biết từ nào tốt hơn), cùng với những ghi chú của tôi dẫn tới việc viết về “những giả định”, hay những luật tắc hư cấu để điều hành thế giới của bài thơ. Đây là một mẹo tôi đã lượm được từ Richard Hugo (ai khác nữa?), người miêu tả những giả định như là “một cơ sở của các hoạt động mà trí tưởng tượng có thể từ đó cất cánh… và nếu cần thiết… trở lại.” Mỗi chuỗi những điều giả định này dẫn lối cho trí tưởng tượng hướng về phía âm thanh và hình ảnh, và rồi, đến lượt chúng, tạo ra cảm xúc và giúp cho người viết khám phá ý nghĩa sâu hơn của bài thơ. Đây là những giả định mà tôi đã manh nha nghĩ về.

Trúc Bạch:

  1. Người trong phố hầu như đã già

  2. Lẽ ra tôi nên rời đi trước đó, nhưng tôi đã không đi. Tôi còn (tương đối) trẻ.

  3. Tôi chưa từng yêu.

  4. Mưa cơ hồ rơi mãi.

 

Ngọc Hà:

  1. Nơi đây từng xảy ra một cảnh tượng bạo lực.

  2. Tôi mắc tội nho nhỏ chưa bị phát giác.

  3. Một mùa hè sâu.

  4. Tôi nghiện rượu.

 

Hoàn Kiếm:

  1. Tôi, một bà già sùng đạo.

  2. Người trong phố, cả tôi, thường hay cãi cọ. Nhưng trong một nỗ lực vượt qua điều này, tôi đã thề im lặng ba năm trước và không mở lời từ đó.

  3. Tôi dành hàng giờ trước hồ mỗi ngày, giữa những cây cổ thụ, nhìn nước và cũng ngắm người.

 

Hồ Tây:

  1. Tôi từng sống ở đây; giờ tôi trở lại và không ai nhận ra tôi.

  2. Mọi người nơi đây chỉ ưa những ái tình thoáng chốc – không ai kết hôn.

  3. Họ gầy. Và, cũng vậy, họ đổi tên thường xuyên.

  4. Vào đêm không khí trong lành kì lạ và những ngôi sao rỡ ràng.

 

Sự thực thì, tôi không thường bắt đầu các bài thơ của tôi theo cách này, bằng việc viết những giả định. Nhưng lần này chúng giúp tôi thật nhiều. Chúng lấy đi sự o ép nặng nhọc tôi đã cảm thấy để Tóm Gọn Hà Nội Một Cách Hoàn Hảo Trong Một Bài Thơ, một nỗi sợ đã ngăn cản tôi quá lâu, để không tìm kiếm cảm hứng từ thành phố huyền bí phức tạp này (cảm ơn thật nhiều, Richard Hugo). Toàn bộ tiến trình làm thơ còn lại là sự thử và sai, xung lực bật ra và niềm vui thuần lành nối tiếp với những ngắc ngứ dài, những băn khoăn, những nghi ngờ. Và rồi sang sửa lại. Và rồi cuối cùng, cái gì đó hầu như sự mãn nguyện. Hay sự giải phóng.

Phần nào đó tôi muốn tiếp tục sang sửa lại, long đong trên hồ dù mặt trời đã lặn từ lâu. Phần khác, cái phần thực tế hơn biết rằng đã đến lúc phải kéo lưới lên và tiến vào bờ.

Tôi dành tặng những bài thơ này cho bạn với sự giải toả. Không phải là về Hà Nội, chính xác là thế, nhưng chúng sẽ không tồn tại nếu không có Hà Nội. Bây giờ, bỏ quá cho tôi, tôi cần vá lưới.

-- dịch bởi Nhã Thuyên


__________________________________________________________________

liên hệ mua sách tại: shop@ajarpress.com

__________________________________________________________________

 

AJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJARAJAR